Theo “Tiêu chuẩn kỹ thuật đo và xử lý số liệu GPS trong Trắc địa công trình” hệ thống tọa độ và thời gian trong việc đo GPS như sau:
Hệ thống tọa độ:
Đo GPS sử dụng hệ thống tọa độ toàn cầu WGS–84 (Hệ tọa độ trắc địa Quốc tế) khi có yêu cầu sử dụng hệ tọa độ HN-72 hoặc hệ tọa độ nào khác thì phải tính chuyển tọa độ.
Các tham số hình học cơ bản của Elipxoid toàn cầu và Elipxoid tham khảo của các hệ tọa độ phải phù hợp với quy định ở bảng 1 dưới đây. Hệ tọa độ VN-2000 có các tham số hình học cơ bản của Elipxoid hoàn toàn giống với hệ tọa độ trắc địa Quốc tế WGS–84.
Khi đo GPS có yêu cầu sử dụng hệ tọa độ địa phương hoặc hệ tọa độ độc lập thì phải tính chuyển đổi tọa độ và cần phải có các tham số kỹ thuật sau:
- Tham số hình học của Elipxoid tham khảo;
- Độ kinh của kinh tuyến giữa múi chiếu;
- Hằng số cộng vào tung độ, hoành độ;
- Độ cao thường của mặt chiếu;
- Tọa độ điểm khởi tính và phương vị khởi tính;
Tính chuyển hệ tọa độ:
Khi tính chuyển từ hệ tọa độ trắc địa Quốc tế của lưới GPS sang hệ tọa độ khu vực, cần phải đảm bảo yêu cầu : Bình sai lưới GPS trong hệ tọa độ vuông góc phẳng theo phép chiếu Gauss (Ko = 1), có kinh tuyến trục Lo cách khu đo không quá 20 km.
Nếu sử dụng phép chiếu UTM 6 độ (Ko = 0.9996) thì kinh tuyến trục cách khu đo trong giới hạn 160km đến 200km. Nếu sử dụng phép chiếu UTM 3 độ (Ko = 0.9999) thì kinh tuyến trục cách khu đo trong giới hạn 70km đến 110km.
Khi chọn phép chiếu Gauss phải sử dụng Ellipxoid Krasovxky, còn nếu dùng phép chiếu UTM thì sử dụng Ellipxoid WGS – 84.
Khi tính chuyển đổi độ cao đo GPS thành độ cao thường thì cần phải sử dụng hệ độ cao nhà nước với điểm gốc độ cao quốc gia.
Thời gian:
Thời gian trong đo GPS được sử dụng là thời gian quốc tế UTC. Khi muốn dùng giờ Việt Nam thì phải tiến hành chuyển đổi (giờ Hà Nội = giờ GPS + 7).